Câu chuyện du học chưa bao giờ là "hết chuyện" đối với bậc làm cha mẹ. Từ những gia đình nhiều tiền đến những gia đình ít tiền, theo tôi, phần nào đó các bố mẹ đã chưa hiểu đúng bản chất thực sự các vấn đề du học. Những kiến thức họ có hiện tại phần nào được truyền bá từ các trung tâm du học. Tôi không nói nhưng thông tin được truyền bá đó là không đúng, mà nó chưa đầy đủ nên nhiều bố mẹ đã hiểu sai. Rất may, dưới đây là tâm sự của một bạn du học sinh, tôi mạn phép copy về để các bố mẹ tham khảo nhé.
"Mình chưa bao giờ nghĩ là mình học giỏi, nhưng mà nhìn lại những gì mình đã làm được từ vạch xuất phát thì mình thấy mình giỏi thật. Nếu ai đó biết mình từ hồi nhỏ, chắc còn nhớ là xuất phát điểm của mình nó thấp như thế nào. Bài viết này rất dài, mong các bạn kiên nhẫn.
1- MÌNH ĐÃ TỪNG HỌC DỐT NHƯ THẾ NÀO
Đại loại là hồi cấp 1 mình học dốt gần nhất lớp trong lớp dốt gần nhất trường. Cả mấy năm học cấp 1 đều trầy chật mãi mới được học sinh tiên tiến, lúc nào cũng tự ti, nghĩ cái gì mình cũng kém, đã vậy còn vô tư, vô duyện, chả được bạn bè yêu mến, nói chung là thành phần mà bố mẹ chẳng có gì đáng tự hào cả. Trong khi hai anh của mình thì học rất giỏi, kiểu toàn thi học sinh giỏi quốc gia, vào thẳng đại học, đỗ thủ khoa mấy trường rồi học bổng du học ầm ầm. Thế khi thấy mình học dốt như vậy, bố mẹ mình phải nói là chán chẳng muốn đụng, bố mình còn bảo, “thôi dù sao nó cũng là con gái, miễn đỗ đại học là mừng lắm rồi”. Mỗi lần bố đi họp phụ huynh là mình run như cầy sấy, bài vở có điểm 2,3 là bình thường. Thậm chí đến bây giờ, khi đã gọi là tạm thành công thì thỉnh thoảng nằm mơ thấy ác mộng vẫn là giờ kiểm tra không làm được bài, gọi lên bảng kiểm tra mà chẳng biết gì cả. Nói chung là tin mình đi, mình rất rất hiểu cảm giác học dốt, dưới đáy xã hội là như thế nào.
2- VÌ SAO MÌNH HỌC DỐT?
Nhưng gia đình mình lại là 1 gia đình có truyền thống học giỏi, từ thời bố mẹ, nên bố mình lúc đầu cũng kì vọng vào mình lắm. Lúc chưa biết đọc bố mình cũng đã bắt đầu dạy tiếng Anh cho mình. Hồi xưa bố mình được đi nước ngoài đào tạo nên nói tiếng Anh rất chuẩn, nên mình may mắn là phần phát âm được học chuẩn ngay từ đầu. Nhưng mà từ bé đã bị bắt học tiếng Anh, nên đâm ra mình cực kì ghét tiếng Anh. Đến khi vào lớp 1 mặc dù vào lớp chuyên Anh Đoàn Thị Điểm nhưng mình luôn trốn học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Và phải nói là mình mắc bệnh lười kinh niên, chỉ thích chơi, nên đến tận cuối học kì 1 lớp 1 mà mình vẫn chưa biết thế nào là khái niệm btvn, ko làm bất kì bài nào luôn. Mình vẫn còn nhớ như in cái ngày mà cô giáo mời bố và anh lên kiểm điểm, bắt mình làm bài tập về nhà ngay tại lớp trước mặt của tất cả các bạn, các bạn còn chỉ trỏ cười chê mình. Rồi suốt mấy năm tháng học cấp 2,3 thì đa phần là mình ko có làm bài tập , toàn đến lớp mượn vở bạn chép. Nói thật là ko hiểu sao bị lười thế. Và mình cũng chẳng có ước mơ gì cụ thể, rõ ràng. Hồi bé ước mơ là đạo diễn, diễn viên, nói chung là có vẻ ko cần học giỏi nên cũng chả có động lực.
3- THẤT BẠI THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
Mốc đầu tiên đánh dấu sự thay đổi của mình phải nói là do mình thi trượt các trường Chuyên cấp 3. Từ cấp 1 đến cấp 2 mình luôn học theo sự chỉ đao của bố mẹ, bố mẹ bảo học gì, lớp nào thì mình học nấy. Hồi cấp 1 hoc Đoàn Thị Điểm cấp 2 học PTBC CHuyên Ngoại Ngữ (là Lomonosov sau này, là trường cấp 2 không chính thức của ĐTĐ lúc đó). Khi vào cấp 2, do trộn lẫn với các bạn ở trường ngoài nên mặc dù hồi xưa học dốt gần nhất ĐTĐ thì vẫn đủ để vào lớp chọn của PTBC Chuyên Ngoại Ngữ. Từ cấp 2 mình vẫn cố được học sinh giỏi (có năm được có năm không) nhưng nói chung vẫn là dạng hoc dốt nhất lớp, đến lớp 9 mà bài kiểm tra toán 1 tiết vẫn bị 2 điểm như thường. Mà hồi đó mình học rất lệch, các môn mình thích thì điểm rất cao. Như toán Hình thì toàn 10, chả học gì toàn 10 phẩy, trong khi Đại số thì toàn 5,6. Rồi Hóa, Sinh hồi đó cũng 10 phẩy vì mình rất yêu quý thầy cô dạy hai môn đó .
Đến khi chuẩn bị hết lớp 9, mọi người ráo riết ôn thi vào trường Chuyên thì mình bắt đầu suy nghĩ về việc mình sẽ học trường nào. Mình rất ghét tiếng Anh, nên mình vẫn cực dốt tiếng Anh, mình ko muốn vào chuyên Anh tí nào, trong khi bố mẹ đều muốn mình học chuyên Anh. Mà sức mình thì cũng chả đủ vào chuyên Toán, Lý, Hóa, mình tự biết vậy. Hồi đó định thi chuyên Sinh để làm bác sĩ thú y. Nhưng mà nghe con bạn thân nói là thú y ở VN chỉ tiêm cho lợn gà thôi, thế là nghỉ, khỏi chuyên Sinh. Nên trong thâm tâm mình,chả có động lực vào trường chuyên lắm. Nên mặc dù thi chuyên Anh nhưng mà chẳng học tí tiếng Anh nào. Mình chỉ đi ôn duy nhất Toán vì hồi đó học được 1 cô dạy Toán rất hay (cô Liên). Nhờ có cô mà mình bắt đầu không sợ Toán nữa. Từ là đứa rất dốt Toán đại, lượng, mình đã là 1 trong những đứa học giỏi nhất lớp học thêm của cô. Ngay cạnh lớp học của cô còn có sân trượt patin, nên chiều nào trước giờ đi học cũng trượt 1 tiếng đã rồi mới đi học. Nói chung là cực kì thích đi học lớp đó.
Kết quả là mình trượt trường chuyên. Mình nhớ ngày mà mình trượt, mình đạp xe tung tăng về nhà, hét lên giữa cửa là, “mẹ ơi, con trượt Chuyên ngữ ròi”. Mẹ mình còn chửi, “trời ơi, trươt ko biết nhục hay sao mà hét cho cả làng nghe”. Mình trượt chuyên Anh nhưng mà đủ điểm vào chuyên Trung, bố mẹ định đi xin cô hiệu trưởng cho chuyển. Mình gàn, cứ bảo, thôi con vào Kim Liên cũng được. Vậy là mình vào Kim Liên. Khi mình vào Kim Liên là bố mẹ mình chán, chả thèm đụng hay can thiệp vào việc học của mình luôn, kiểu kệ xác nó. Vì đối với nhà mình, ngoài trường Chuyên ra thì các trường công không bao giờ được nghĩ tới (trước anh mình chuyên Lam Sơn và Ams).
Sau vụ trượt các trường chuyên đó, bố mẹ và hai anh của mình thất vọng vô cùng. Lúc đó anh mình bảo là nếu không chịu học ngoại ngữ thì không bao giờ có thể đi du học được đâu. Thế là mình tự nhủ là, “nhất định sẽ đi du học mà không cần ngoại ngữ cho các anh trố mắt coi”. Mà nhờ gia đình không để ý đến việc học của mình nữa nên mình được tự do chọn lớp học, chọn môn học và học những gì mình thích.
4. TÌM ĐƯỢC ĐAM MÊ VÀ CÚ THỨC TỈNH ĐẦU TIÊN
Từ khi vào Kim Liên, mình đã tự nhủ là, môi trường như thế nào là do mình tạo ra. Nên mình xung phong làm lớp trưởng, với mong muốn là có được 1 lớp cấp 3 như mong muốn. Do hồi trước ôn Toán chăm chỉ nên mình cũng nhanh chóng là một trong những học sinh nổi trội của lớp. Rồi vô tình có lần mình kiếm được mấy quyển tạp chí Kiến Trúc, mình phát hiện ra là mình rất mê kiến trúc và muốn làm kiến trúc sư. Thế là mày mò tìm hiểu xem muốn làm KTS thì phải học trường nào, muốn thi trường đó thì phải học gì, rồi mình tự chạy qua trường MTCN, Kiến Trúc, đi học vẽ.3 năm cấp 3 trôi qua khá là bình yên, vì xác định thi khối V nên mình không học Hóa hẳn. Toán Lý toàn 9, 10 phẩy còn Hóa thì giữ đúng 6.5 để ko mất học sinh giỏi. Mình dốt hóa đến mức cô chủ nhiệm dạy Hóa còn tránh ko gọi mình lên bảng vì biết nếu có gọi thì mình cũng không làm được tí nào.
Trong khi đó ở lớp học vẽ, do chăm chỉ luyện tập, mình bá đạo lớp vẽ luôn. Nên cấp 3 của mình gắn bó với lớp học vẽ và trường Kiến Trúc (mặc dù chưa vào trường) nhiều hơn nhiều so với lớp cấp 3. Rồi đến khi thi Đại học, do mình học Kim Liên, nên Toán Lý của mình cũng khá ngon, mình đứng thứ hai (Á khoa) khoa Kiến Trúc, trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội, Dĩ nhiên mình thì vui mừng khôn xiết, còn anh mình chỉ chép miệng, “ờ thì cũng được”. Ờ thì đúng là cũng được thật, vì anh mình thủ khoa cơ mà, mình vẫn chỉ là á khoa thôi.
Lúc đó trường mình có suất học bổng đi du học ở ÚC, và Cuba dành cho 3 sinh viên điểm cao nhất, dĩ nhiên là mình cũng trong diện được xét. Nhưng mà điều kiện tối thiểu để đi Úc và phải có IELTS 6.5. Bố khỉ, chắc chắn lúc đó tiếng Anh dốt còn gần nhất lớp trường Kim Liên của mình thì làm sao mà có thể được 6.5 IELTS cơ chứ. Vậy là mình lỡ mất suất học bổng đi Úc. Mình uất ức vô cùng, đáng lẽ mình có thể thực hiện được mục tiêu không cần tiếng Anh vẫn du học của mình rồi, vậy mà chỉ vì cái tiếng Anh đáng ghét mà lỡ mất. Ôi phát dồ. Nếu mình mà giỏi thật như các bạn đi thi Olympia thì không nói nhá. Còn đây là mình không phải 1 đứa học giỏi, mình chỉ giỏi những gì mình thích thôi.
Vậy là sau cú du học hụt đó, mình quyết định sẽ học lại tiếng Anh.
5. DU HỌC HỤT LẦN 2
Bảo là học lại tiếng Anh nhưng mà mình học lại cũng vớ vẩn, cũng tham gia 1,2 lớp tiếng Anh cho có phong trào nhưng mà thực sự ko có tập trung luyện gì cả. Nên qua hai năm ở trường ĐH, tiếng Anh của mình cũng chẳng lên là mấy. Nhưng bù lại mình rất hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, trường lớp. Vì mình biết là nếu muốn du học được thì hoạt động ngoại khóa cũng phải tốt. Đến năm thứ hai mình đã là Phó chủ tịch Hội sinh viên Trường, và tham gia rất nhiều hoạt động chuyên ngành khác. Và dĩ nhiên là việc học ở lớp của mình cũng rất tốt, đúng ngành mình thích mà lại. Kể cả khi mình bị tại nạn, xẹp đốt sống lưng cột sống, bó nẹp mất cả tháng thì mình vẫn học ngon lành.
Rồi một ngày đẹp trời, tự dưng mình thấy 1 cái thông báo về chương trình du học hè ở Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên về chủ đề bảo vệ môi trường do ĐSQ Mỹ - Bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ (học bổng SUSI). Mình đăng kí luôn, mặc dù lúc đó rất lúa. Mình còn không biết là các hồ sơ (bảng điểm, thư giới thiệu, bằng khen…) phải dịch sang tiếng Anh, nên mình nộp nguyên cả bộ hồ sơ toàn tiếng Việt. Chỉ có duy nhất cái bài luận là mình viết bằng tiếng Anh, vì thấy họ ghi rõ vậy trong yêu cầu. MÌnh cũng chả có điểm tiếng Anh hay cái gì kèm theo cả, nhưng mà do bài luận của mình quá xuất sắc, ý tưởng độc đáo, nên mình được chọn là 1 trong 5 ứng cử viên để phỏng vấn trên hơn 300 hồ sơ đăng kí. Anh mình có quen 1 anh làm trong ĐSQ, trước ngày phỏng vấn, anh kia đã bảo mình là ông đại sứ đã rất ấn tượng với bài luận của mình, và rất thích mình nên cơ hội mình được chọn rất là cao, cố gắng phỏng vấn cho tốt nha.
Nhưng rồi mình bị đâm xe ngay trước ngày phỏng vấn, đập đầu xuống đất nên mất trí nhớ. Truyện như phim, nhưng mà thật đấy. Mình mất trí nhớ toàn bộ những gì xảy ra trong 2 tuần gần nhất, bao gồm toàn bộ quá trình chuẩn bị hồ sơ và những gì mình tìm hiểu về chương trình. Mặc dù cuộc phỏng vấn được lùi lại 2 ngày nhưng mà tinh thần mình vẫn chưa ổn định, trả lời thì ấp úng, lắp bắp, gần như không nói được ý gì. Mình nhớ là hôm đi phỏng vấn mình đã nói tiếng Anh rất rất là tệ. Thế là mình trượt.
6. CON ĐƯỜNG HỌC TIẾNG ANH THỰC SỰ
Từ sau ám ảnh về cuộc phỏng vấn quá tệ đó, mình quyết tâm phải học tiếng Anh thật nghiêm túc. Và do đến ĐSQ phỏng vấn nên mình phát hiện ra ở ĐSQ có American Center, là một nguồn học tiếng Anh cực kì bổ ích và free. American Center có đầy đủ, băng đĩa, sách luyện thi, sách dạy kĩ năng, sách truyện, các buổi diễn thuyết, giao lưu, là môi trường cực tốt để các bạn có thể luyện tiếng Anh. Thế là từ đó mình hay lên American Center học. Thời gian đầu học cũng khá là khó khăn, vì do mặc cảm lúc nào cũng dốt tiếng Anh nên mình học rất chậm. Người ta học được 10 chắc mình chỉ học được 2,3.
Ngoài học tiếng Anh ở American Center về các kĩ năng, mình còn xác định học tập trung luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh để phục vụ việc du học như TOEFL, GRE. Mình cũng có đi học ở 1 số trung tâm và lớp học nổi tiếng hồi đó như lớp thầy Hoàn, cô Giang TOEFL, EQuest , thầy David Goss nhưng mà chưa bao giờ học hết khóa, toàn học vài buổi rồi lười mà nghỉ. Nên mình chủ yếu học được tiếng Anh là do quá trình tự học. Mà phải nói là mình tự học cực cực kì lâu la, mức độ tiến bộ rất chậm. Mình tham gia các CLB tiếng Anh, cafe tiếng Anh, làm hướng dẫn viên miễn phí để luyện nói. Mình nghe đài gần như 24/24 để luyện nghe, Hồi luyện GRE thì cả mùa hè mình dành 8 tiếng để luyện, mỗi ngày học 200 từ mới. Mình dùng phần mềm Tell Me More để luyện phát âm, nhai đi nhai lại quyển grammar in use để luyện ngữ pháp.
Mặc dù hai năm cuối đại học mình chăm chỉ luyện tiếng Anh thật đấy nhưng mà khi di thi TOEFL và GRE thì điểm của mình cũng không cao, chỉ tầm 69 TOEFL, và 306 GRE/ 3 writing. Thế nên chưa bao giờ mình dám nhận là mình giỏi tiếng Anh cả.
7. DU HỌC Ý
Do điểm TOEFL và GRE của mình thấp vậy nên mình cũng chả dám nghĩ đến việc du học Mỹ. Nhà mình nghèo nên mình chỉ xác định đi du học khi được học bổng toàn phần thôi. Nhưng cơ hội lại đến và rất bất ngờ. Vô tình mình lại đọc được thông báo tuyển sinh và học bổng master của trường Politecnico di Milano ở bảng thông báo trường mình. Đó là một trong những trường kĩ thuật và đào tạo kiến trúc tốt nhất Ý. Thấy học bổng của trường đó có vẻ không khó, chấp nhận cả TOEIC, nên mình cũng cấp tốc luyện qua TOEIC một tuần để apply, cũng đươc tầm 900 điểm gì đó không nhớ. Trong quá trình apply mình chủ động liên hệ với 1 số anh chị người Việt đã từng học ở trường đó để hỏi kinh nghiệm và mình biết được 1 sự thật thú vị là. Học sinh nào ở trường đó cũng được học bổng hết. Vì ở Ý có học bổng vùng hỗ trợ cho sinh viên nghèo, mà sinh viên VN thì đều đủ tiêu chuẩn nghèo nên gàn như ai vào trường cũng được học bổng. Nhưng mà vấn đề là phải đăng kí học, học ở đấy nửa kì mới được nhận học bổng. Thế là khi mình được nhận vào trường, mình rón rén nói chuyện với anh mình, xin anh mình tài trợ cho mình tiền vốn lúc đầu để đi học. Đến lúc có học bổng hỗ trợ thì mình sẽ trả lại.
Lúc đó nhà mình cũng không khá giả gì, bố mình mất, để lại tầm 2.5k Euro tiền mặt. Nên anh mình bảo thôi cầm lấy, tự tính toán tự tiêu. Vậy là mình bước chân sang Ý, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, rất tình cờ và đột ngột luôn. Và thật may mắn, là sau khi học vài tháng, mình đã nhận được học bổng vùng hỗ trợ sinh viên nghèo, đủ lo trang trải toàn bộ chi phí học tập và ăn ở trong 2 năm, Mặc dù số tiền cực ít ỏi, chỉ vừa đủ, nhưng mà mình cũng cầm cự được 2 năm, còn thừa 1k Euro mang về.
* À nói qua là tuy học bổng hỗ trợ dễ vậy nhưng mà để vào Polimi thì ko hẳn là dễ đâu, vì họ yêu cầu GPA khá cao, trên 7.0. Mà dân Kiến Trúc thì GPA trên 7.0 thì cũng là tầm học giỏi của lớp rồi, nên dù sao vẫn phải học giỏi thì mới đi được, chỉ là không cần giỏi xuất sắc thôi.
Nói vậy nhưng mà mình tốt nghiệp ra trường cũng đứng thứ 3, chứ cũng ko đến nỗi tệ.
8. BƯỚC CHÂN SANG MỸ - THỰC HIỆN ƯỚC MƠ DU HỌC.
Sau từ ngày đầu tiên sang Ý, minh đã nghĩ đến việc mình làm gì tiếp. Vì ở Ý tuy sống rất thích nhưng mà quá khó khăn để kiếm việc làm, cần phải biết tiếng ý, trong khi mình cực dốt ngoại ngữ, nên học thêm 1 ngoại ngữ nữa đối với mình quả là khó khăn, Thêm nữa châu Âu nói chung vẫn khá là bảo thủ, nhất là Ý nên mình luôn cảm giác đây không phải là nhà của mình. Mình cần phải tìm một nơi khác sống. Vậy là mình tiếp tục nuôi ước mơ sang Mỹ.
* Nói qua mình thích Mỹ là vì trước bố mình có chơi với vài cựu chiến binh Mỹ, nên mình hay được nhận quà (sách vở, đồ chơi) từ Mỹ. Thấy nhiều hình ảnh về Mỹ trong đầy nên cảm giác muốn đến Mỹ từ bé.
Ở lớp học mình luôn có gắng được điểm cao, tham gia các hoạt động của trường để kiếm thêm thành tích. Nói chung là học đúng ngành mình thích nên việc đó cũng không quá khó khăn gì. Sau 1 năm ở Ý, điểm phẩy của mình tầm 29/30, mình ôn nhanh GRE và TOEFL lại thì thi cũng được 90 TOEFL và 312 GRE. Nói chung điểm đó vẫn chẳng cao gì, đủ điểm đầu vào nhưng mà để được học bổng toàn phần thì vẫn xa vời. Nhưng mình dành rất nhiều thời gian để lựa chọn trường, program phù hợp và tìm hiểu về trường mà mình apply. Lúc đó, mình may mắn có được 1 người quân sư tuyệt vời, là một anh con của bạn bố mình. Anh này có thời gian sống lâu dài và học tập ở Mỹ, nên anh ý hướng dẫn mình rất nhiều trong cách viết thư hỏi han đại diện của trường, cách tiếp cận các giáo sư, cách tìm hiểu thông tin và xin thư giới thiệu. Lúc đó tuy nghèo nhưng mình cũng may mắn được ex hỗ trợ về tài chính, cho mình vay tiền để thi các chứng chỉ và lệ phí apply 4 trường (cũng tầm 1000$ tất cả). Trong thời gian apply, mình còn bị tai nạn ô tô (đi qua đường bị ô tô đâm), nứt xương chậu và phải nằm liệt giường 1 tháng, ngồi xe lăn 3 tháng. May mà nhờ bạn bè cùng phòng, ex chăm sóc nên mình mới có thể vừa học tiếp chương trình ở Ý mà vừa apply các trường ở Mỹ. Nói chung là nếu nói đến may mắn, thì cuộc đời mình may mắn nhất là ở đường bằng hữu. Đi đâu cũng chỉ gặp người tốt.
Nhờ tính khéo léo trong hồ sơ apply của mình, thư giới thiệu thuyết phục, bài luận sâu sắc (đến admission panel còn nghi ngờ ko phải do mình tự viết) và quan trọng nhất là quá trình deal học bổng ngoạn mục do quân sư tư vấn mà trong 4 trường mình apply thì 3 trường cho mình học bổng. Còn trường thứ 4 thì ko nhận luôn, và năm đó họ cũng chẳng nhận sinh viên nào, chả hiểu sao.
3 trường nhận và cho học bổng lần lượt đứng thứ 2, top 10, top 15 trong ngành của mình. Vì mình chỉ xác định đi học được khi được học bổng toàn phần nên mình không quan tâm lắm đến số tiền họ cho, chỉ quan tâm đến số tiền mình phải trả tính cả ăn ở. Trường top 2 mình phải trả 5k/ năm, trường top 10 thì thừa 5k/năm, trường top 15 phải trả tầm 10k/năm nên loại luôn. Lúc đó mình hỏi anh mình là mình nên chọn trường nào, giữa top 2 hay top 10. Anh mình vẫn động viên là thôi cứ vào top 2, dù thiếu tí thì nhà sẽ cố gắng hỗ trợ. Nhưng mình biết lúc đó gia đình ở VN đang khá khó khăn, công ty anh mình làm ăn thất bát, nên mình không muốn thêm gánh nặng. Mà ở Ý mình lúc nào cũng sống chi li tiết kiệm quá rồi nên mình cũng muốn dư dả 1 chút. Vậy là mình quyết định trường top 10, mà nói thật là bây giờ đôi khi mình vẫn hơi lăn tăn, hối hận chút xíu về sự lựa chọn đó, vì quả thực 5k ko phải quá nhiều, hiếm ai đi du học mà chỉ cần bỏ 5k mà lại trường top 2 như thế.
Vậy là từ khi trượt học bổng SUSI, năm 2010, đến tận 4 năm sau 2014, mình mới chính thức bước chân được sang Mỹ.
Mình vẫn tự hào là mình đi du học không nhờ tiếng Anh, vì nếu xét về điểm tiếng Anh của mình thì không có gì nổi trội. Thậm chí lúc đó hai trường cho học bổng còn yêu cầu đầu vào là 100 TOEFL, trường top 2 còn yêu cầu GRE verbal tối thiểu 156 mà mình chỉ được có 150. Điểm tiếng Anh của mình đều dưới chuẩn đầu vào, lúc vào trường mình phải đi học tiếng Anh tăng cường, vậy mà mình vẫn được học bổng toàn phần. Nên mình rất rất tự hào vì mình đã đạt được mục tiêu của mình. Đó là đi du học không bằng tiếng Anh.
9. CUỘC SỐNG HIỆN TẠI RA SAO.
Mình là đứa tham lam, nên sau khi thực hiện được ước mơ du học, mình vẫn còn 1 đống ước mơ nữa chưa thực hiện được, nên mình thấy con đường phía trước còn phải học và cố nhiều lắm lắm.
Mình nhớ ngày đầu tiên sau khi đỗ ĐH, cả lớp vẽ quây quần lại với nhau làm 1 đề bài cho vui, nội dung là thể hiện “cảm xúc thi đỗ đại học”. Mình vẽ một người ở vạch xuất phát với lời tựa là “mọi người thường nghĩ đỗ đại học là đến đích, còn với em, đỗ đại học là đến vạch xuất phát”. Nên thực hiện giấc mơ du học Mỹ xong, bước chân đến nước Mỹ, lại là một vạch xuất phát mới, mà bây giờ chắc mình mới chỉ đạt được 30%.
Mình vào trường, cũng học tốt để không uổng công trường cho học bổng. Khi mẹ mất vẫn duy trì được việc học và làm. Tuy không phải là đứa có điểm GPA cao nhất, nhưng mà là đứa kiếm được intern ở công ty to nhất, ra trường kiếm được việc ngon và nhanh nhất. Đi làm ở công ty cũng là đứa nhân viên mới tiến nhanh nhất. Đứa lấy chồng, có con sớm nhất, haha … Nghe hoành tráng vậy nhưng mà thực ra còn thiếu nhiều lắm, kém nhiều lắm, vẫn phải cố gắng nhiều các bạn ạ"
Comments
Post a Comment